Tìm kiếm
 
 
Lượt Truy Cập
3,452,790
Chiến trường chia nửa... giấc mơ
Phạm Ngọc Khánh quê ở Hải Dương. Từ thuở nhỏ, khi học tiểu học, anh đã có năng khiếu bóng đá và chính là người đứng ra lập đội bóng của trường

QĐND - Có một cầu thủ xuất sắc của Thể Công đã chia tay sân cỏ rồi đi thẳng vào chiến trường Quảng Trị khốc liệt làm nhiệm vụ giải phóng quê hương - đó là Phạm Ngọc Khánh, Anh hùng LLVT nhân dân. Anh đã khắc tên mình vào lịch sử nền thể thao Việt Nam như một tấm gương mẫu mực nhất về đức hy sinh và lòng dũng cảm của một cầu thủ.

Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Ngọc Khánh.

Đánh giặc ở “Thung lũng cối xay thịt”

Đến nay, chưa có bài báo nào viết về thời khắc và hoàn cảnh chiến đấu, hy sinh của Phạm Ngọc Khánh… Một buổi chiều tháng 9-2011, tôi đã trèo lên Điểm cao 689 (Khe Sanh, Quảng Trị) cùng đồng đội của anh xác định lại vị trí diễn ra trận đánh cuối cùng mà anh tham gia. Trời sập tối rất nhanh. Lối mòn nhỏ dẫn lên đỉnh Điểm cao 689 ngày càng khó nhận dạng. Núi rừng Khe Sanh cây cối chằng chịt, lũ vắt nhảy lách tách dưới chân và cỏ dại quấn lấy ống chân khiến chúng tôi không thể tưởng tượng cách đây 40 năm, cao điểm này lại là một vị trí then chốt trong cuộc “đụng đầu lịch sử” đầy khắc nghiệt mà báo chí nước Mỹ từng gọi là “cối xay thịt”. Ông Nguyễn Văn Hợi, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo, đơn vị của người Anh hùng Phạm Ngọc Khánh châm ngọn lửa để đuổi vắt và xua đi bóng tối rồi chậm rãi kể:

- Đây, Điểm cao 689 nổi tiếng của chiến trường Khe Sanh. Anh Khánh hy sinh tại Mỏm A này, tôi nhớ rõ lắm, vì nếu không chấp hành mệnh lệnh của anh Khánh, thì chắc tôi cũng hy sinh trong trận đánh quyết tử hôm đó rồi.

Ông Nguyễn Văn Hợi chính là tác giả của Nhật ký “Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị” ghi khá chi tiết thời điểm và bối cảnh diễn ra trận đánh cuối cùng của Phạm Ngọc Khánh…

Những ngày cuối tháng 6-1968, cuộc sống của lính thủy đánh bộ Mỹ ở các Cao điểm 689-845-832 thực sự là địa ngục. Để trấn an dư luận chính giới Mỹ, ngày 27-6-1968 khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát tin quân và dân Quảng Bình bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3000 thì cũng là lúc Mỹ tìm cách rút toàn bộ quân ở Khe Sanh. Bộ tư lệnh Mặt trận H2 ra lệnh cho tất cả các đơn vị trong toàn mặt trận cương quyết tấn công tiêu diệt địch, giải phóng Khe Sanh. 17 giờ ngày 28-6-1968, Trung đội 1 thuộc Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 246 do Phạm Ngọc Khánh làm Trung đội trưởng - được bổ nhiệm chức vụ Đại đội phó - nhận lệnh xuất quân, tập kích Cao điểm 689. Nguyễn Văn Hợi, khi đó là liên lạc đại đội, được lệnh xuống làm liên lạc cho Phạm Ngọc Khánh.

“Tôi chia tay đồng đội băng rừng từ cứ của đại đội ra Cao điểm 519, nơi Trung đội 1 tập kết. Trông thấy anh Khánh, tôi vừa thở vừa nói: “Báo cáo đại đội phó, tôi được lệnh sang làm liên lạc cho thủ trưởng trận đánh này!”. Anh Khánh nói: “Tớ có cậu Ghi rồi (đồng chí Ghi là chiến sĩ mà lâu nay anh Khánh vẫn dùng làm liên lạc). Hợi đợi trận sau vậy nhé”. Tôi thất vọng vì không được đi, đành ở lại trực điện thoại với bộ phận thông tin. Cao điểm 689 thời kỳ này được ví như A1 của Điện Biên Phủ. Mất 689 là Mỹ mất tất cả, vì thế lực lượng của Mỹ ở đây được tăng cường tối đa về vũ khí và quân số. Trung đội 1 được tăng cường thêm một tiểu đội của Trung đội 2, quân số đi tập kích đêm ấy tổng cộng 35 đồng chí. Tôi trực đến khoảng 2 giờ sáng 29-6-1968, trên Cao điểm 689 bỗng rộ lên tiếng thủ pháo, tiếng lựu đạn, tiếng B40, tiếng AK xen lẫn tiếng súng địch. Tiếng máy bay phản lực gầm rú, C130 thả pháo sáng đầy trời, khoảng một giờ sau thì tiếng súng trên cao điểm lịm tắt. Trận tập kích đã kết thúc.

Gần 5 giờ sáng 29-6-1968, anh em Trung đội 1 cáng, dìu 6 đồng chí bị thương cùng một số vũ khí thu được của địch về 519. Đồng chí Nguyễn Văn Sinh, đồng hương Vĩnh Yên với tôi, áo không còn, băng trắng quấn đầy ngực, ôm chầm lấy tôi thổn thức: “Anh Khánh hy sinh rồi!” - ông Hợi bồi hồi nhớ lại.

 Và anh Sinh kể lại: Trận tập kích 689 của Trung đội 1 diễn ra vô cùng ác liệt. Sau khi cắt xong hàng rào cuối cùng thì cả trung đội lọt vào trung tâm Mỏm A 689 và thế là trận đánh không cân sức giữa 35 cán bộ, chiến sĩ Trung đội 1 với hơn 1000 lính Mỹ xảy ra. Ta cũng không ngờ Mỹ lại dồn về đây đông quân đến vậy. Giữa muôn trùng vây, nhưng anh Khánh dũng cảm băng lên, đi đầu trong đội hình tiến công của trung đội, cuốn anh em cùng xốc lên. Hai lần anh bị thương vào cánh tay trái và phần mềm đùi trái. Cả trung đội ùn lại dưới làn đạn giặc. Lần thứ ba, anh lại bị đạn địch bắn vào chân phải. Tình thế vô cùng hiểm nghèo, không tiến không lui được. Phải diệt khẩu đại liên địch, đơn vị mới tiến lên được. Bằng tay phải còn lành lặn, Phạm Ngọc Khánh ôm thủ pháo lựa địa hình lết lên sát điểm lửa, dùng hết sức còn lại anh ném thủ pháo diệt được khẩu đại liên. Lập tức, chiến sĩ trong trung đội liền ào lên chiếm lĩnh điểm cao. Một quả M79 nổ ngay gần vị trí anh Khánh, hai chân anh giập nát, khắp người anh là màu đỏ của máu.

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn K3 - Tam Đảo thắp hương và hát tưởng nhớ Anh hùng Phạm Ngọc Khánh và những đồng đội đã hy sinh trên đỉnh Điểm cao 689.

Giấc mơ chia nửa

Phạm Ngọc Khánh đã chia tay sân cỏ để bước vào chiến trường như thế nào? Đó là câu hỏi mà những người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn thường tự hỏi khi được biết về người Anh hùng LLVT nhân dân duy nhất của thể thao Việt Nam hiện nay.

Một chi tiết bất ngờ được ông Hợi tiết lộ: Khi anh Khánh được truy tặng Anh hùng, Báo Quân đội nhân dân đã có bài viết rất dài về anh. Chúng tôi lần giở số báo 3156 ngày 4-3-1970, thì đây, chân dung của người anh hùng hiện ra: “Anh hùng quân đội - Liệt sĩ, Thiếu úy Phạm Ngọc Khánh, Huân chương Quân công hạng ba, là niềm tự hào của giới thể dục thể thao cả nước, của Đoàn TDTT Quân đội. Cầu thủ mang áo số 8 Phạm Ngọc Khánh thi đấu trong đội hình Thể Công vào những năm 1962-1964. Năm 1966, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Ra trường đảm đương công tác huấn luyện tân binh rồi hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu chống Mỹ. Phạm Ngọc Khánh hy sinh năm 1968. Năm 1970, được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang”.

Phạm Ngọc Khánh quê ở Hải Dương. Từ thuở nhỏ, khi học tiểu học, anh đã có năng khiếu bóng đá và chính là người đứng ra lập đội bóng của trường. Đại tá Nguyễn Thọ, nguyên Chính ủy Nhà máy Z1 (Tổng cục Kỹ thuật) kể: “Lớn lên, Khánh nhập ngũ và vào làm việc ở Nhà máy Z1. Giấc mơ được chơi bóng vẫn cháy bỏng trong anh. Anh là chân sút số 1 trong đội bóng nhà máy. Một lần đội Thể Công về đá bóng giao hữu, phục vụ công nhân quốc phòng của ngành quân giới. Tài năng của công nhân Phạm Ngọc Khánh đã lọt vào con mắt xanh của huấn luyện viên đội Thể Công. Thế là vài tuần sau, Bộ Tổng tham mưu đánh quyết định điều động Khánh lên Đoàn Thể thao Quân đội!”.

Về với Thể Công, được tập luyện bài bản, khả năng bóng đá của Khánh phát triển rất nhanh, anh có thể dẫn và sút bóng tốt bằng cả hai chân, đặc biệt là lối đá rất hào hoa. Năm 1964, Phạm Ngọc Khánh đã khoác áo đội Thể Công sang thi đấu tại Trung Quốc và một số nước XHCN anh em. Một bước ngoặt bất ngờ là vào cuối năm 1964, trong một lần bị chấn thương phải đi viện, các bác sĩ đã phát hiện anh bị thấp khớp ảnh hưởng đến tim và kết luận Khánh không thể đá bóng được nữa...

Giặc Mỹ đưa ngọn lửa chiến tranh lan rộng ra miền Bắc, biết không thể theo đuổi đam mê từ thuở ấu thơ, Khánh làm đơn xin ra trận. Trong buổi chia tay với đội bóng thân yêu, anh đã nói: “Nếu được đá bóng, tôi sẽ rèn luyện, học hỏi để thành cầu thủ giỏi. Trở thành chiến sĩ ngoài mặt trận, tôi xin hứa sẽ là một chiến sĩ dũng cảm, không lùi bước trước khó khăn, gian khổ, hy sinh”.

Phạm Ngọc Khánh đã sống, chiến đấu đúng như những gì anh hứa. Ông Nguyễn Văn Hợi và các đồng đội cùng Tiểu đoàn K3 – Tam Đảo kể rằng: Những ngày đi chiến đấu, trên mỗi bước hành quân, anh Khánh vẫn thường kể chuyện về giấc mơ bóng đá. Anh kể nhiều về Sân vận động Cột Cờ, về các cầu thủ giỏi của Thể Công. Anh còn nói, nếu hết chiến tranh, biết đâu anh lại quay về với trái bóng, có thể là huấn luyện viên chẳng hạn. Vì thế, giờ đây, đồng đội của anh mỗi lần qua sân Cột Cờ thường dừng lại. Họ ngước nhìn lên, cờ Tổ quốc tung bay trong mênh mông bầu trời Hà Nội và thấy như trong đó, có nụ cười, có giấc mơ của người cầu thủ anh hùng đang bay lên.

Bài và ảnh: Hồng Hải
Các tin mới hơn
Văn Toàn - từ cầu thủ nhút nhát đến sát thủ vòng cấm (22/07/2019)
Kiếm thủ Trần Thị Len: Huy chương Vàng của tình yêu và nghị lực (11/12/2017)
Kiếm thủ Trần Thị Len với hành trình cảm động tới tấm HCV SEA Games 28 (30/07/2015)
Một số gương mặt tiêu biểu của thể thao Hải Dương. (01/08/2014)
Người ấy… bây giờ: “Người ngoài hành tinh” Vũ Văn Huyện (19/03/2014)
Các tin cũ hơn
Nguyễn Thị Thiết và ngã rẽ về mái ấm nhỏ (23/05/2012)
“Người không tuổi” ở bóng bàn Việt (23/05/2012)
Nguyễn Ngọc Phan - Một thời để nhớ (23/05/2012)
Thành phố Hải Dương Xứng đáng danh hiệu tiên tiến toàn quốc về thể dục thể thao (23/05/2012)
Lê Thế Thọ - Danh hiệu cầu thủ vàng AFC châu Á 2004 (23/05/2012)