Tìm kiếm
 
 
Lượt Truy Cập
3,449,741
Anh hùng liệt sĩ - cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh
Người anh hùng - cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh sinh năm 1942, ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Không chỉ là cầu thủ giỏi, mà khi xung trận trên chiến trường chiến đầu với quân giặc, anh quả cảm, bất khuất, can trường.
Người anh hùng - cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh sinh năm 1942, ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Không chỉ là cầu thủ giỏi, mà khi xung trận trên chiến trường chiến đầu với quân giặc, anh quả cảm, bất khuất, can trường.
 
Chân dung Anh hùng liệt sĩ - cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh
Báo Quân đội nhân dân số 3156 ngày 4-3-1970 viết: “Anh hùng quân đội - Liệt sĩ, Thiếu uý Phạm Ngọc Khánh, Huân chương Quân công hạng ba, là niềm tự hào của giới thể dục thể thao cả nước, của Đoàn TDTT Quân đội. Cầu thủ mang áo số 8 Phạm Ngọc Khánh thi đấu trong đội hình Thể Công vào những năm 1962-1964. Năm 1966, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân. Ra trường đảm đương công tác huấn luyện tân binh rồi hăng hái xung phong vào chiến trường miền Nam tham gia chiến đấu chống Mỹ. Phạm Ngọc Khánh hy sinh năm 1968. Năm 1970, anh Khánh được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Anh hùng các lực lượng vũ trang".

Người anh hùng - cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh quê ở Hải Dương. Anh sinh năm Nhâm Ngọ (1942). Bố mẹ anh đều thoát ly đi kháng chiến và hoạt động trong vùng địch hậu. Cả tuổi thơ ấu của Khánh sống với bà nội ở phố Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương). Phạm Ngọc Khánh học ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (nay là Trường THCS Trần Phú). Anh học chăm và giỏi. Tính Khánh kiên cường, trọng lẽ phải, yêu thương bạn và rất dũng cảm trong sinh hoạt thường ngày. Anh có năng khiếu bóng đá và chính anh đứng ra lập đội bóng đá ở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đại tá Nguyễn Thọ ở 12B phố Lý Nam Đế kể: “…Tôi gặp Khánh khi anh là công nhân quốc phòng Nhà máy Z.1. Lúc đó tôi là Bí thư Đảng uỷ kiêm Chính uỷ nhà máy. Khánh được cử đi học lớp đào tạo kỹ thuật đặc biệt khoá 1. Học xong, anh được phân công về phân xưởng gia công cơ khí A32 chuyên chế tạo các bộ phận của súng trường CKC. Trong cuộc sống hằng ngày, anh khát khao tình cảm gia đình. Trong hoạt động thể dục thể thao, anh luôn luôn là người đi đầu. Anh Khánh còn là một chân sút có hạng của đội bóng đá nhà máy. Một lần đội Thể Công về đá bóng giao hữu, phục vụ công nhân quốc phòng của ngành quân giới. Ai dè, tài đá bóng của cậu công nhân kỹ thuật số 1 của Z.1 chúng tôi đã lọt vào con mắt xanh của huấn luyện viên đội Thể Công. Và thế là vài tuần sau Bộ Tổng Tham mưu đánh quyết định về nhà máy điều động Khánh lên Đoàn Thể thao Quân đội!”.

Trong một trận bóng tranh giải miền Bắc trên sân Vinh (Nghệ An), không may Khánh bị chấn thương rất nặng ở đầu gối. Gần nửa năm điều trị tại Viện Quân y 108, cuối cùng bác sĩ điều trị và Hội đồng Y khoa kết luận “khớp gối của Khánh không thể hồi phục!”. Nghe đến đó Khánh đã bật khóc vì từ nay anh không còn cơ duyên với môn thể thao mình hằng yêu thích. Sau một thời gian nữa điều trị lành vết thương, Khánh được cử đi học Trường Sĩ quan Lục quân Sơn Tây. Năm 1966 đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt, cũng là lúc Thiếu uý Phạm Ngọc Khánh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Lục quân. Những bạn thể thao ở Trường Nhổn, các đồng đội của anh ở Đoàn Thể dục thể thao (TDTT) Quân đội (Thể Công) mấy năm trước, công nhân Công trường 12 (Nhà máy Z1 Bộ Quốc phòng) thì vẫn gọi anh bằng cái tên thân thương: “Khánh bóng đá”. Anh khoác ba lô về nhận nhiệm vụ ở Đoàn 246 Quân khu Việt Bắc, rồi xung phong vào Nam chiến đấu. Trong một trận đánh, Khánh đã quả cảm xông lên, mưu mẹo dùng thủ pháo diệt từng hoả điểm và bị thương, nhiều mảnh đạn găm vào người. Không cho đồng đội khiêng về tuyến sau, anh tiếp tục chỉ huy các mũi xung kích và tiếp tục bị thương đến lần thứ tư và hy sinh. Đó là buổi sáng ngày 26-6-1968.

Trong đội hình đá bóng cũng như những ngày đứng bên cỗ máy tiện to như chú voi khổng lồ trong hang giữa rừng sâu Việt Bắc, anh thanh niên Khánh thật giản dị. Thế mà khi xung trận trên chiến trường chiến đấu với quân giặc, thì anh quả cảm, bất khuất, can trường. Để ghi nhớ chiến công của người Anh hùng - liệt sĩ, tên anh đã được đặt một con đường to đẹp ở khu đô thị mới phía đông TP Hải Dương quê hương.
Các tin mới hơn
Văn Toàn - từ cầu thủ nhút nhát đến sát thủ vòng cấm (22/07/2019)
Kiếm thủ Trần Thị Len: Huy chương Vàng của tình yêu và nghị lực (11/12/2017)
Kiếm thủ Trần Thị Len với hành trình cảm động tới tấm HCV SEA Games 28 (30/07/2015)
Một số gương mặt tiêu biểu của thể thao Hải Dương. (01/08/2014)
Người ấy… bây giờ: “Người ngoài hành tinh” Vũ Văn Huyện (19/03/2014)
Các tin cũ hơn
Chiến trường chia nửa... giấc mơ (23/05/2012)
Nguyễn Thị Thiết và ngã rẽ về mái ấm nhỏ (23/05/2012)
“Người không tuổi” ở bóng bàn Việt (23/05/2012)
Nguyễn Ngọc Phan - Một thời để nhớ (23/05/2012)
Thành phố Hải Dương Xứng đáng danh hiệu tiên tiến toàn quốc về thể dục thể thao (23/05/2012)