Tôi vốn không phải là người của ngành TDTT, mà từ hơn 6 năm nay lại sinh ra đam mê quá đỗi với môn "Thể thao đánh bóng chuyền hơi" và được gọi là "Người tiên phong trong phong trào đánh bóng chuyền hơi" hiện nay. Bỏ cả nghiệp "luyện thi toán" cho học sinh vào cao đẳng, đại học sau 10 năm đang đà "thu hoạch" để đi tuyên truyền, huấn luyện, phát động phong trào "Rèn luyện thân thể - Đánh bóng chuyền hơi" bằng tiền lương hưu và tiền tiết kiệm của mình.
Thành quả gặt hái về với tôi là các cuộc vui quên cả tuổi cao, sức yếu, quên cả mưa dầm gió rét, để có được hàng ngàn người tham gia bóng chuyền hơi trung - cao tuổi thuộc 15 quận, huyện từ vùng đô thị, đồng bằng, trung du đến vùng núi; từ nông thôn đến thành phố; từ người Kinh đến người Thượng ở 4 tỉnh thành phía Bắc.Sức khoẻ tăng lên, nhiều cụ chữa được cả bệnh; đông vui, an toàn, rẻ nhất hạng và thêm một cơ duyên để tập hợp nhau lại trong một "CLB văn hoá thể thao bóng chuyền hơi".
Qua bài báo nhỏ này, xin được cùng nhau trò chuyện, để cùng nhau thổi còi xây dựng phong trào "Rèn luyện thân thể - Đánh bóng chuyền hơi" vậy nhé!
1-Chuẩn bị con người
Các cụ, ông, bà, nam nữ trung - cao tuổi khi thấy đánh bóng chuyền da đau tay quá; đánh bóng bàn, cầu lông tốn tiền quá; đi bơi sợ chuột rút; đi bộ, đi xe đạp ra đường sợ bụi bặm, xe cộ nhiều quá vv.. đều rất nên tham gia đánh bóng chuyền hơi.
Tập chuyền với nhau trong bãi thì vài ba hay hàng chục người vẫn được cả. Nếu chia thành hai bên sân bãi đánh qua lưới luyên tập, giao lưu, thi đấu với nhau thì tiêu chuẩn mỗi bên một đội 5 người, hai bên phải cùng giới, cùng khung độ tuổi (ví dụ nam từ 40 đến 54 hay từ 55 đến 70 tuổi; nữ từ 35 đến 49 hay từ 50 đến 70 tuổi...). Mỗi người được xếp vào một vị trí từ 1 đến 5 trên sân theo chiều ngược kim đồng hồ. Lúc chơi vui thì mặc "dông dài" nhưng khi giao lưu, thi đấu, cầu thủ mỗi đội trang phục "quần soóc, áo số", giầu vải thấp đế, bịt gối an toàn thì bừng bừng khí thế với "màu áo, sắc áo" quê hương lắm.
2- Chuẩn bị sân bóng
Mỗi sân bê tông hay sân gạch, sân đất hay sân cỏ ngắn, mịn, tất cả phải bằng phẳng, không có vật nhọn trên phạm vi 6m x 12m và "vùng lưu không" rộng 2m kể từ các biên ngang, dọc ra ngoài, là lấy làm sâm bóng được. Có thể dùng ngay sân cầu lông để làm sân bóng chuyền hơi. Từ vạch dưới lưới chia đôi sân kẻ sang mỗi bên sân một vạch cách vạch giữa sân 2m tạo thành vùng 4mx6m của cả 2 bên gọi là "vùng cấm bật nhảy để đập hay vít bóng". Đây cũng là một ưu việt của luật đánh bóng chuyền hơi, tránh rủi ro cho sức khoẻ người trung - cao tuổi. Hai cột căng lưới bóng chôn cách phía ngoài 2 biên dọc từ 0,5 đến 0,7m. Lưới bóng chuyền hơi dài 7m, rộng 1m được viền vải ở 2 mép trên và dưới để luồn dây thừng và căng lưới.
3- Chuẩn bị bóng
Bóng chuyền hơi Việt Nam có màu cam, không có hoa văn, làm bằng cao su đồng chất, nặng từ 1,8 đến 2 lạng. Dùng kim bơm đặc chủng và bơm tay để bơm bóng từ từ cho đến khi chu vi đường xích đạo (gân quả bóng) khoảng 80 cm là đạt tiêu chuẩn. Bóng "Vietnam -tvc- 200" là bóng được Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam công nhận chất lượng làm bóng luyện tập, thi đấu.
4-Cơ sở vật chất ban đầu và kinh phí
Mỗi sân chơi nên có 1 bộ gồm 1 lưới, 3 quả bóng, 1 cái kim bơm bóng, 1 cái còi chỉ huy, và 1 quyển luật đánh bóng chuyền hơi (BCH). Giá 1 bộ như vậy khoảng 172.000 đồng. Nếu tính cho 10 người chơi, giữ gìn bóng lưới chu đáo thì 6 tháng cũng không hỏng, mỗi người chỉ hết 3.000 đồng/tháng - thật quá rẻ.
5-Về tổ chức
Mỗi xã nên thành lập một CLB VHTT BCH do UBND xã quyết định thành lập, có đại diện của Hội NCT, PN, CCB, nông dân, công đoàn cơ quan xã, Ban VHXH xã tham gia trong thường trực Ban chủ nhiệm CLB để thành lập các đội bóng nam, nữ, tổ chức luyện tập, giao lưu, thi đấu thay cho các BCH Hội, lại chỉ đạo tập trung và gọn đầu mối... thành lập CLB và phát động phong trào "Rèn luyện thân thể - Đánh bóng chuyền hơi" để tạo thêm khí thế, nâng cao trách nhiệm vinh dự cho mỗi người. Địa điểm tổ chức nên có sân bóng để có thể đánh trình diễn và giới thiệu luật đánh bóng chuyền hơi ngay trên sân bóng...
6-Một số hiểu biết ban đầu về luật đánh bóng chuyền hơi
a-Khi phát bóng
Cầu thủ vị trí 1 lùi ra ngoài biên ngang nhưng trong khu biên dọc kéo dài, tung nhẹ bóng lên khỏi bàn tay này và dùng bàn tay kia phát mạnh bóng sang phía sân bạn. Bóng bay lên phía trên hoặc chạm vào mép trên của lưới sang trong sân, hoặc chạm vạch sân bạn là được. Nếu đội bạn làm hỏng pha bóng đó thì phát được một điểm. Đồng thời phải di chuyển sang vị trí số 5 để cầu thủ số 2 xuống phát thay. Nếu bên phát làm bỏng pha bóng thì đội bạn được tính một điểm và người ở vị trí số 2 của đội bạn xuống phát bóng. Nhớ gọi là "chỉ được phát 1 lần", "di chuyển theo chiều kim đồng hồ" và "tính điểm trực tiếp".
b- Khi đỡ bóng
Cô gắng đỡ bằng 10 đầu ngón tay (bóng cao su mềm không sợ đau tay như bóng chuyền da), hoặc nắm hai bàn tay lại úp sát ngón tay vào nhau "tâng bóng" nhẹ nhàng chuyền cho cầu thủ đội mình (gọi là chuyền 1) tốt nhất cho cầu thủ ở vị trí số 3 - thường gọi là "cầu thủ nâng bóng", để đường bóng ổn định và cầu thủ này chuyền bóng (gọi là chuyền 2) cho cầu thủ đội nhà thực hiện đưa bóng (chuyền 3) bằng cách chuyền, bỏ nhỏ hoặc đập bóng sang sân đội bạn. Nhớ là mỗi pha bóng ở một bên sân chỉ được 3 lần chạm bóng, kể cả bóng đã chạm vào tóc của cầu thủ.
c-Khi đập bóng
Nếu bật nhảy thì phải bật nhảy ở bên ngoài vạch 2m hoặc lao vào khu bên trong vạch 2m, đập quả bóng sang sân đội bạn. Không được rời hai bàn chân từ vạch hoặc bên trong vạch 2m để tạo đường bóng xiên (tức điểm chạm bóng của tay cầu thủ ở nửa bán cầu trên của quả bóng) sang sân bạn. Không được đứng trong khu 2m để vít bóng sang sân đội bạn. Đứng trên vạch hay bên trong vạch 2m có thể bật nhảy để làm động tác giả nhằm tạo đường bóng cầu vồng hoặc bỏ nhỏ sang sân bạn có hiệu lực hơn. Ba cầu thủ ở vị trí 2,3,4 có thể nhảy lên để chắn quả bóng đập của đội bạn. Chắn mà bóng rơi trở lại bạn không đỡ được, để chạm sân bạn là ta được điểm. Chắn mà bóng rơi ra ngoài sân hoặc để bóng chạm sân mình là ta bị mất điểm. Chắn mà bóng vẫn bay sang sân mình nhưng chưa chạm đất thì tiếp tục đỡ chuyền pha bóng đó bắt đầu từ chuyền 1. Nhớ nhất là trong vùng 2m sát lưới không được nhảy để tạo đwofng bóng xiên hoặc đứng vit bóng sang sân bạn.
d- Tổ chức giao lưu, thi đấu:
Phù hợp với sức khoẻ người cao tuổi, mỗi trận chỉ đánh 3 hiệp thắng 2, mỗi hiệp đánh 21 điểm, chênh 2 điểm sẽ thắng; hiệp thứ 3 quyết thắng (nếu có) đánh 15 điểm chênh 2 điểm sẽ thắng và đến điểm thứ 8 thì đổi sân nhưng các cầu thủ trên sân cũ ở vị trí nào thì sang sân mới phải giữ nguyên vị trí ấy.
Trên đây chỉ là một số hiểu biết rất cơ bản, ban đầu về môn thể thao đánh bóng chuyền hơi. Dân ta có câu "Trăm nghe không bằng một thấy". Các cụ cố gắng tìm hiểu kỹ từ sách luật đánh bóng chuyền hơi nhờ địa phương tổ chức tập huấn từng đợt ngắn về luật đánh bóng chuyền hơivà tốt nhất là cứ trực tiếp tham gia tập luyện trên sân bóng trước lạ sau quen./.
Theo Triệu Đình Khuê (Báo Thể thao Việt Nam, 25/5/2012)