Tìm kiếm
 
 
Lượt Truy Cập
3,454,354
Thành phố Hải Dương Xứng đáng danh hiệu tiên tiến toàn quốc về thể dục thể thao
Các môn thể thao truyền thống và thể thao nâng cao được Ủy ban hành chính thị xã tập trung đầu tư có trọng điểm nên đã nhanh chóng mang lại hiệu quả cao như : Bóng bàn, bóng đá, điền kinh, bắn súng, bơi lội...

Sau ngày giải phóng (30-10-1954), công tác thể dục thể thao (TDTT) ở thị xã Hải Dương (nay là thành phố) đã nhanh chóng khôi phục và phát triển. Ban TDTT được thành lập và tổ chức chỉ đạo các hoạt động. Nhờ vậy phong trào TDTT quần chúng được mở rộng. Điển hình là phong trào "Thể dục thể thao yêu nước" phát động thanh, thiếu niên, học sinh các trường phổ thông rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn 5 môn thể thao: "Chạy, nhẩy, bơi, bắn, võ" cùng với cuộc thi đua "chạy dai sức vì miền Nam ruột thịt". Cuộc phát động thi đua thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Hàng trăm đơn vị nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, khu phố, trường học… duy trì các hoạt động TDTT sôi nổi vào các giờ tập thể dục buổi sáng và buổi chiều tối. Sân vận động trung tâm thị xã là sân tập luyện bóng đá, điền kinh cho thanh thiếu niên, còn là sân tổ chức các trận thi đấu bóng đá của tỉnh, của các đội hạng A toàn miền Bắc. Ngay từ những năm đầu thị xã được giải phóng khỏi ách đô hộ thực dân Pháp. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng được dấy lên rầm rộ ở các tuyến phố. Về thể dục thể thao, không ngừng nâng cao tính hiệu quả và chất lượng của phong trào tập luyện. Mỗi độ tuổi có các nội dung hoạt động TDTT riêng như : Độ tuổi mẫu giáo hoạt động theo nội dung "Chúng em vui khỏe", thiếu niên, học sinh có nội dung "Hội khỏe Phù Đổng", lực lượng vũ trang có phong trào "Lực lượng khỏe"… hoạt động thể dục thể thao nhanh chóng đi vào đời sống và tạo nên nề nếp tốt đối với mọi công dân trên địa bàn thị xã.


Giải chạy tập thể chào mừng thành phố Hải Dương là đô thị loại II

Các môn thể thao truyền thống và thể thao nâng cao được Ủy ban hành chính thị xã tập trung đầu tư có trọng điểm nên đã nhanh chóng mang lại hiệu quả cao như : Bóng bàn, bóng đá, điền kinh, bắn súng, bơi lội..., Chính có sự đầu tư trọng tâm, trọng điểm mà thị xã Hải Dương trong những năm đầu mới giải phóng đã xuất hiện nhiều VĐV tài năng cung cấp cho các đội tuyển tỉnh, đội tuyển quốc gia thi đấu quốc tế. Điển hình môn bóng đá, thị xã Hải Dương xuất hiện nhiều danh thủ tài năng còn đọng mãi trong lòng người hâm mộ cho đến bây giờ: Danh thủ Phạm Ngọc Khánh, Lê Thế Thọ, Phùng Mạnh Ngọc, Bùi Xuân Thêu… Thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh đã là đội trưởng của đội bóng đá "Nhóc" phố Trần Hưng Đạo, anh vừa là trung phong, vừa là hậu vệ khi cần thiết, là thủ môn có bàn tay nhựa. Hòa bình lập lại anh tiếp tục lăn lộn với phát triển môn bóng đá rồi anh được tuyển vào đội bóng đá Thể Công. Những năm thập kỷ 60, khi đội tuyển Thể Công ra sân thi đấu có tiền vệ Phạm Ngọc Khánh thì sân bóng bao giờ cũng thiếu vé. Theo tiếng gọi của chiến trường miền Nam, anh nhập ngũ và hy sinh ở mặt trận Khe Xanh đường 9, Bắc Quảng Trị. Liệt sĩ, cầu thủ bóng đá Phạm Ngọc Khánh được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang năm 1970. Danh thủ bóng đá Lê Thế Thọ được AFC trao giấy chứng nhận "Cầu thủ vàng" Châu Á năm 2004. 11 tuổi Lê Thế Thọ đã miệt mài chơi bóng trên sân thị xã Hải Dương, cùng trang lứa với Phùng Mạnh Ngọc. Năm 1959, cả hai anh được gọi vào đội trẻ quốc gia, anh trải qua nhiều vị trí khác nhau của môi trường thể thao sân cỏ Việt Nam, nếm trải vinh quang và cay đắng. Đến bây giờ anh đã là một yếu nhân của thể thao. Cá tính trên sân cỏ năm nào vẫn còn đó. Điểm lại những năm tháng thập kỷ 30, 40 thế kỷ trước, khi TP Hải Dương có Cua - ro sếch đã từng dự thi xe đạp vòng quanh Đông Dương và được xếp trong tốp 5 Cua - ro đứng đầu giải. Quyền Anh: có "Box - xơ" Phan Sang, Phan Dần nổi tiếng cấp Đông Dương. Box -xơ Phan Sang chính là người đã cầm khẩu súng lục đứng trên nóc cổng vườn hoa, bảo vệ cho ông Bạch Năng Thi diễn thuyết hôm cướp chính quyền chiều ngày 17 - 8- 1945 tại TP Hải Dương. Đội bóng đá thị xã Hải Dương thành lập khá sớm; cầu thủ gồm: Viễn, Cân, Toại, Khánh, Lê Ông… Hòa bình lập lại người về đội Thể Công, người giảng dạy ở trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh). Điền kinh có Vũ Quang Tiệp giỏi toàn diện: Nhẩy xa, nhẩy cao, cử tạ... đều đạt thành tích cao. Vũ Quang Tiệp đi vào vùng tự do theo kháng chiến và theo đuổi ngành Y trở thành bác sĩ TDTT của Tổng cục TDTT. Danh thủ bơi lội Nguyễn Văn Củ, ông giành HCV vô địch bơi Đông Dương năm 1943 trên sông Sài Gòn. Hậu duệ của ông sau này là danh thủ Nguyễn Chí Lập, HCĐ Ga nê pho năm 1963 Indonesia. Trong chiến tranh chống thực dân Pháp, bóng bàn thị xã Hải Dương chưa có cơ hội phát triển. Hòa bình lập lại, bóng bàn nhanh chóng phát triển trên đường phố chính, trường học: Cấp II Trần Phú, Ngô Gia Tự, cấp I Võ Thị Sáu, Tô Hiệu… Một số gia đình phố Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Đồng Xuân... dành phòng ở làm nhà tập bóng bàn cho con em tập luyện. Chính có phong trào đó nên những năm đầu thập kỷ 60, thị xã Hải Dương đã sản sinh nhiều VĐV bóng bàn nam nữ. Một số VĐV nòng cốt gây dựng phong trào cho con em thị xã, một số làm nòng cốt cho phát triển môn bóng bàn cho công nhân nhà máy Sứ Hải Dương như: Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thị Mai… Một số vào đội tuyển bóng bàn tỉnh như Nguyễn Ngọc Phan... Từ năm 1960 đến nay thị xã Hải Dương đóng góp cho tỉnh, cho quốc gia nhiều VĐV bóng bàn tài năng như Nguyễn Ngọc Phan thập kỷ 70, Nguyễn Đức Long, thập kỷ 80, Vũ Mạnh Cường, thập kỷ 90. Ngày nay đội tuyển bóng bàn tỉnh, nòng cốt là các cây vợt của TP Hải Dương: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Hoàng Chung, Đỗ Đức Duy, Lê Anh Phong, Hà Phước Thành, Nguyễn Thị Giang… Với môn thể thao ít người xem, không có cổ động viên (bắn súng), nhưng thị xã Hải Dương sớm xuất hiện xạ thủ bắn súng như Nguyễn Đức Uýnh HCV SEA Games 15 (1989) Malaysia và các xạ thủ Nguyễn Đức Hà, Phạm Thị Hà, Trần Quốc Cường, Trần Thị Hồng Vân, Lê Thị Anh Đào, Nguyễn Thị Thủy… giành HCV quốc gia và quốc tế đóng góp bảng vàng thành tích thể thao tỉnh nhà. Có thể nói từ trước và sau năm 1945 đến nay, con em thành phố Hải Dương đã làm nên những thành tích kỳ diệu của nền thể thao tỉnh Đông và nước nhà. Với thành tích đó, năm 1987, thị xã Hải Dương được Nhà nước tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng hai về phát triển thể thao.

Phát huy thành tích đơn vị dẫn đầu thể dục thể thao toàn tỉnh từ khi hòa bình lập lại đến nay, thành phố Hải Dương không ngừng chú trọng phát triển sự nghiệp TDTT trên mọi phương diện: phát triển đa dạng hóa thể thao quần chúng dưới mọi hình thức: điểm, nhóm, CLB TDTT từ phường, xã, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, đầu tư trọng điểm các môn thể thao thành tích cao nên các cuộc tham gia giải tỉnh, thành phố Hải Dương luôn giành nhất, nhì toàn đoàn, đồng thời đóng góp số lượng vận động viên đông đảo nhất cho tỉnh và quốc gia. Công tác "xã hội hóa" thể thao, thành phố cũng là đơn vị trọng tâm dẫn đầu tỉnh, đến nay toàn thành phố có nhiều công trình thể thao do cơ quan, xí nghiệp, trường học, doanh nghiệp, tư nhân đầu tư xây dựng. Từ có 1 bể bơi do người Pháp xây dựng năm 1930, nay có gần chục bể bơi siêu sạch rải rác khắp thành phố đáp ứng cho con em luyện tập và xóa mù bơi, hàng chục sân Tenis, nhà tập và tổ chức thi đấu… Dự cảm trong tương lai thành phố Hải Dương xây dựng sân vận động ngoài thành phố thay thế sân vận động quá cũ tồn tại từ năm 1930 đến nay.

Các tin mới hơn
Văn Toàn - từ cầu thủ nhút nhát đến sát thủ vòng cấm (22/07/2019)
Kiếm thủ Trần Thị Len: Huy chương Vàng của tình yêu và nghị lực (11/12/2017)
Kiếm thủ Trần Thị Len với hành trình cảm động tới tấm HCV SEA Games 28 (30/07/2015)
Một số gương mặt tiêu biểu của thể thao Hải Dương. (01/08/2014)
Người ấy… bây giờ: “Người ngoài hành tinh” Vũ Văn Huyện (19/03/2014)
Các tin cũ hơn
Lê Thế Thọ - Danh hiệu cầu thủ vàng AFC châu Á 2004 (23/05/2012)
Lê Thanh Sơn, người Hải Dương chơi bóng chuyền (23/05/2012)
Tài năng tuổi teen của cầu lông Việt Nam (23/05/2012)