Tìm kiếm
 
 
Lượt Truy Cập
3,454,357
Nguyễn Ngọc Phan - Một thời để nhớ
(HNM) - Trường huấn luyện TDTT Trung ương là bệ phóng để Nguyễn Ngọc Phan ghi danh vào bảng vàng của làng bóng bàn Việt Nam với hàng loạt chức vô địch miền Bắc những năm 1963,

(HNM) - Trường huấn luyện TDTT Trung ương là bệ phóng để Nguyễn Ngọc Phan ghi danh vào bảng vàng của làng bóng bàn Việt Nam với hàng loạt chức vô địch miền Bắc những năm 1963, 1964, 1965, 1971, 1972, 1973… Tất nhiên, chức vô địch quốc gia lần đầu tiên, năm 1978, khi hai miền Nam, Bắc đã thống nhất là thành tích lớn nhất trong đời cầm vợt của ông…

Ngại nhất Nguyễn Đức Long

Khi trường huấn luyện giải tán vào cuối những năm 1960 thế kỷ trước, đội bóng bàn vẫn đang làm mưa làm gió tại các giải miền Bắc. Giải tán đội thì phí, thế là Tổng cục TDTT đưa đội về Trường ĐH TDTT Trung ương I. Nghiễm nhiên, trường có một đội bóng bàn mạnh mà bằng chứng là chức vô địch năm 1978 của Nguyễn Ngọc Phan. Đối với Nguyễn Ngọc Phan, giai đoạn 1970 - 1978 là quãng thời gian ông thi đấu thành công nhất. Không kể hàng loạt cuộc lên ngôi tại các giải trong nước, Nguyễn Ngọc Phan còn nhiều trận đấu “đáng nói” với những tay vợt quốc tế đẳng cấp châu lục và thế giới như Lý Cảnh Quang, Lục Kỳ Phương (Trung Quốc), Hasigawa Imano (Nhật Bản), Park Sing In , Kim Yung San (CHDCND Triều Tiên). Trước những đối thủ này, Nguyễn Ngọc Phan là tay vợt khó chịu, không dễ khuất phục bởi có cả bản lĩnh, sức mạnh lẫn sự khéo léo.

Có lần tôi đã hỏi ông:

- Ai là đối thủ khó chịu nhất trong đời cầm vợt của ông?

Không ngần ngừ, ông đáp ngay:

- Nguyễn Đức Long, người đồng hương của tôi. Cậu ấy trở thành đối thủ khó chịu của tôi kể cả khi chưa đạt đến đỉnh cao sự nghiệp.

Điển hình là cuộc đấu giữa hai tay vợt Hải Hưng này ở vòng tứ kết đơn nam Giải vô địch quốc gia năm 1978. Năm ấy, Nguyễn Đức Long còn trẻ, mới nổi và vừa thắng Nguyễn Ngọc Phan tại Giải vô địch miền Bắc năm 1977 nên hừng hực khí thế. Nhưng so với Vương Chính Học, 5 lần vô địch miền Nam, thì tài còn kém, khó so đọ. Trong các tay vợt miền Bắc khi đó, chỉ Nguyễn Ngọc Phan có khả năng vượt qua Vương Chính Học. Vì thế nhiều thành viên trong đoàn bóng bàn phía Bắc hồi hộp theo dõi trận quyết đấu giữa Nguyễn Ngọc Phan và Nguyễn Đức Long. Trận ấy, sau 3 séc đầu, Nguyễn Đức Long dẫn 2-1. Nghĩ đến đại cuộc - không vượt qua được các tay vợt TP Hồ Chí Minh, nhiều người không khỏi lo lắng. Séc 4, được chỉ đạo phát bóng xoáy vào trái và tấn công ngay vào bụng khi đối phương trả giao bóng, Phan thắng 21-19 đưa trận đấu vào séc 5, phân thắng bại. Séc này, khi tỉ số là 20-19 nghiêng về Long, trong một pha cứu bóng xa bàn, Nguyễn Ngọc Phan bị ngã và đập đầu vào bàn, không còn khả năng cứu bóng nếu đối phương đưa bóng vào bàn. Bóng nảy cao, Đức Long lao vào “đập ruồi” hết tay để nhanh chóng kết thúc trận đấu nhưng bóng lại ra ngoài bàn. Sau lần “chết hụt” này, Nguyễn Ngọc Phan chứng tỏ bản lĩnh đàn anh, thắng 22-20 để rộng đường vào bán kết, chung kết rồi đoạt chức vô địch.

Về Hà Nội

Sau chức vô địch năm 1978, Nguyễn Ngọc Phan còn có cơ hội lên ngôi tại Giải vô địch quốc gia lần thứ nhì - năm 1980 tại Hà Nội. Trận chung kết năm ấy, trước tay vợt mới nổi Trần Tuấn Anh từ TP Hồ Chí Minh, hai năm trước còn bại trận dễ dàng trước Vương Chính Học, Nguyễn Ngọc Phan để mất chức vô địch trong một tình cảnh hiếm thấy ở các trận chung kết. Ông dẫn 20-11 ở séc 5 nhưng lại để đối thủ thắng ngược 22-20.

Năm 1982, tốt nghiệp ĐH TDTT Trung ương I, Nguyễn Ngọc Phan về công tác tại Sở TDTT Hà Nội. Không còn ở phong độ đỉnh cao nhưng mùa giải vô địch quốc gia nào ông cũng góp phần cùng đội bóng bàn Hà Nội giành từ 3 đến 4 HCV tại Giải vô địch quốc gia, có năm đội giành đến 5 HCV. Bộ tứ Ngọc Phan - Đình Phiên - Trường Huy - Xuân Hưng trở thành đối thủ khó chịu cho bất cứ đội nào. Thời gian cống hiến cho thể thao Hà Nội không nhiều nhưng sự đóng góp lại đáng kể.

Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, khó khăn mấy Nguyễn Ngọc Phan cũng không tính tới chuyện rẽ ngang nhưng khi đã lập gia đình, chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” đã khiến ông phải chia tay ngành thể thao vào năm 1985 để vào TP Hồ Chí Minh làm việc ở Viện Nghiên cứu dầu khí Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. Đối với ông đó là chuyện cực chẳng đã. Sau đó người ta còn thấy Nguyễn Ngọc Phan xuất hiện một số lần tại giải toàn quốc trong vai trò HLV, có năm học trò của ông đoạt HCĐ. Đến giờ, ở tuổi 61, cái chất giọng ông vẫn ẩn chứa đầy sự đam mê khi nói về bóng bàn. Ông bảo: “Xa rời môi trường bóng bàn đỉnh cao nhưng tôi vẫn quan tâm qua nhiều kênh. Cả đời đeo đuổi môn này, bỏ sao được !”.

Minh Quang
Các tin mới hơn
Văn Toàn - từ cầu thủ nhút nhát đến sát thủ vòng cấm (22/07/2019)
Kiếm thủ Trần Thị Len: Huy chương Vàng của tình yêu và nghị lực (11/12/2017)
Kiếm thủ Trần Thị Len với hành trình cảm động tới tấm HCV SEA Games 28 (30/07/2015)
Một số gương mặt tiêu biểu của thể thao Hải Dương. (01/08/2014)
Người ấy… bây giờ: “Người ngoài hành tinh” Vũ Văn Huyện (19/03/2014)
Các tin cũ hơn
Thành phố Hải Dương Xứng đáng danh hiệu tiên tiến toàn quốc về thể dục thể thao (23/05/2012)
Lê Thế Thọ - Danh hiệu cầu thủ vàng AFC châu Á 2004 (23/05/2012)
Lê Thanh Sơn, người Hải Dương chơi bóng chuyền (23/05/2012)
Tài năng tuổi teen của cầu lông Việt Nam (23/05/2012)